Năm hết Tết đến, ai cũng trở về nhà đoàn viên người thân. Thế nhưng, những bảo vệ/vệ sĩ làm công việc trông giữ nhà , bảo vệ tài sản ngày Tết vẫn phải miệt mài khi nhu cầu tăng cao.
Theo anh Nguyễn Tấn Vinh (41 tuổi, ngụ Đồng Nai), quản lý nghiệp vụ một công ty bảo vệ/vệ sĩ ở Đồng Nai, thời điểm năm hết Tết đến, ngoài bảo vệ mục tiêu cố định hay sự kiện, các đơn đặt hàng trông giữ nhà, bảo vệ tài sản tăng rất cao.
“Trông giữ nhà, kho… ngày Tết không đòi hỏi nghiệp vụ nhiều như bảo vệ yếu nhân, ngân hàng. Tuy nhiên, người làm cũng phải hết sức cẩn thận. Thường phải là khối tài sản lớn, người ta mới cần người trông giữ, như kho hàng lớn, biệt thự”, anh Vinh cho biết.
Cũng theo anh, ngày Tết, thường các công ty ký hợp đồng dài hạn nhiều năm, thì 24/24 đều có bảo vệ trông coi, dĩ nhiên sẽ xuyên suốt các ngày Tết. Còn các hợp đồng thời vụ bảo vệ kho, bãi, nhà riêng thường dao động khoảng 1 – 3 tuần thời điểm trước và sau Tết.
Nhận công việc bảo vệ các kho hàng lớn, nhà giàu, người trông giữ phải hết sức cẩn thận Hoài Nhân |
Theo dõi camera đề phòng người lạ lảng vảng quanh khu vực cần bảo vệ Hoài Nhân |
Nếu có yêu cầu, người trông giữ nhà sẽ kiêm luôn công việc quét dọn, chăm hoa, thú Hoài Nhân |
“Khi giao nhà cho mình, tùy vào yêu cầu của gia chủ mà các căn phòng, đồ vật quan trọng sẽ được niêm phong, không ai được đụng tới. Tùy vào thỏa thuận mà người giữ nhà còn kiêm luôn các công việc khác như tưới cây, chăm cá và phải đảm bảo sức sống cho cây cối, thú vật. Mọi hư hỏng, thất thoát tài sản có thể phải đền từ 3 – 5 lần giá trị tài sản gốc”, anh Vinh cho biết.
Một căn nhà, kho bãi nhỏ có khi chỉ cần 1 người bảo vệ, trông giữ. Nhưng các tài sản lớn hơn đòi hỏi phải có từ 2 – 3 người túc trực.
Anh Trương Văn Quyết (ngụ Đồng Nai), một người có thâm niên làm nghề bảo vệ/vệ sĩ đã 15 năm nay, tâm sự, đặc thù của nghề là làm việc xuyên Tết. Suốt quãng thời gian làm nghề, anh chỉ mới đón giao thừa ở nhà vợ được một lần duy nhất.
“Giao thừa ai cũng về nhà với người thân, còn mình lủi thủi ở nhà người dưng để trông giữ, chạnh lòng lắm chứ… Ngày xưa chưa mua được cái điện thoại cảm ứng, giao thừa chỉ biết nhắn cái tin chúc mừng năm mới gia đình. Sau này đỡ hơn chút, gọi video call về có thể thăm hỏi, chúc Tết ba mẹ và vợ rồi. Buồn thì buồn, nhưng nghề nó vậy cũng chịu, cuộc sống mưu sinh mà”, anh Quyết bộc bạch.
Quê anh ở tận Thanh Hóa, muốn về cần nhiều thời gian. Trong khi làm nghề này không được nghỉ Tết, nên lâu lắm rồi anh vẫn chưa được về quê. Tết này, anh cũng chỉ dự định về đón Tết ở nhà vợ ở gần, vì thời gian eo hẹp.
Làm công việc trông giữ nhà cũng lắm chuyện buồn vui Hoài Nhân |
Nhiều bảo vệ/vệ sĩ nhiều năm phải đón Tết xa quê vì đặc thù công việc Hoài Nhân |
Làm xuyên Tết, tuy thù lao tăng nhiều lần, nhưng cũng lắm khi gặp đủ chuyện buồn vui. “Ngoài nỗi buồn xa nhà, đôi khi còn những sự chạnh lòng khác khi làm việc. Có những gia chủ người nước ngoài, văn hóa họ khác mình, nếu không khéo léo họ sẽ phật ý và làm khó mình ngay. Thế nhưng, cũng có nhiều niềm vui, đến từ những chủ nhà xem mình như người thân. Họ lo cho mình chỗ ăn chỗ ngủ tươm tất, còn chuẩn bị sẵn đồ ăn cho mình mấy ngày Tết, ấm lòng lắm!”, anh Quyết chia sẻ.
Thù lao ngày Tết tất nhiên sẽ tăng so với ngày thường. Theo chị Nguyễn Hồng (44 tuổi, ngụ Q.4), một bảo vệ ở TP.HCM, cũng có nhiều nỗi niềm khi làm công việc trông giữ nhà ngày Tết. Nhiều lần giao thừa, chị phải gọi về cho con gái 10 tuổi ở Vũng Tàu, nhờ con quay cảnh ông bà cúng kiếng để đỡ nhớ nhà.
Đánh đổi cho những cảm xúc ấy, chị cho hay: “Mình có lương cứng thêm 4 triệu. Nếu ngày thường thù lao từ các ca trực chỉ được khoảng 4 triệu nữa, thì ngày Tết có thể lên đến trên dưới 6 triệu. Cùng với thưởng bổng, có thể dư chút đỉnh sắm sửa đồ đạc cho gia đình trong năm mới”.
nguồn: thanhnien.vn